Tuesday 13 March 2018

BẢN TIN TỐI 13/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 thảm sát Gạc Ma
Trang VietNamNet bàn về Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Theo lời kể của Cựu binh Trần Thiên Phụng, người trực tiếp chứng kiến cuộc thảm sát tại đảo Gạc Ma năm 1988, “64 đồng đội của ông đã ngã xuống dưới làm mưa đạn của quân xâm lược, còn ông và 8 chiến sĩ khác bị Trung Quốc bắt giữ và giam cầm suốt 4 năm sau đó”.

Báo VnExpress có bài: 30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma. Về vị trí chiến lược của đảo Gạc Ma, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân phân tích: “Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm ở giao điểm của đường hàng hải từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, xuống Nam Thái Bình Dương, cũng là giao điểm hàng hải nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Cho nên, Trung Quốc muốn chiếm đảo Gạc Ma để thực hiện tham vọng bá quyền ở Biển Đông, đồng thời mở đường tiến ra Thái Bình Dương. Năm 1988 là thời điểm thuận lợi với Trung Quốc: Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế, khối cộng sản Liên Xô bắt đầu tan rã.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu của Lữ đoàn 125.

VTC viết: Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược. Bài viết tổng hợp lời các cựu binh Trần Thiên Phụng, Nguyễn Văn Thống, kể lại những năm tháng họ và đồng đội bị phía Trung Quốc giam giữ.

Theo ông Phụng, đó là “đấu trí với cai ngục Trung Quốc”. Trong lúc thẩm vấn, các cai ngục Trung Quốc liên tục xuyên tạc rằng “Gạc Ma là của họ”, phía Việt Nam xâm lược trước nên họ “buộc phải bắn trả”!? Ông Phụng, ông Thống và các đồng đội phản bác rằng đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Vì sao sau 30 năm mới đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa? GS Phạm Hồng Tung giải thích: “Đây là một sự kiện tương đối phức tạp, phải nghiên cứu rất cẩn trọng. Hơn nữa, việc công bố kết quả nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận thức lịch sử của toàn xã hội”. Ông Tung giải thích dài dòng nhưng không nói được lý do chính: Thái độ nhân nhượng, phục tùng của lãnh đạo CSVN trước Bắc Kinh sau Hội nghị Thành Đô 1990, chỉ 2 năm sau sự kiện Gạc Ma.



Tin Biển Đông
Diễn biến mới trên Biển Đông: Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson thao dượt cùng với Hải Quân Nhật, theo RFI. Báo Nhật The Japan Times trích dẫn thông báo của Hải quân Mỹ ngày 13/3/2018: “Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson vừa bắt đầu các cuộc thao dượt chung với các chiến hạm của hải quân Nhật Bản ở Biển Đông, trong đó có một trong những chiếc lớn nhất của hạm đội Nhật, chiếc khu trục hạm Ise, chở theo 3 trực thăng”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Úc đòi chơi đúng luật quốc tế ở Biển Đông. Ông Nick Bisley, GS ngành quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, bình luận: “Úc đang cố gắng thuyết phục ASEAN chấp nhận quan điểm Trung Quốc là nhân tố phá vỡ quy tắc mà các bên sẽ có lợi hơn khi tuân thủ theo”.


Quan hệ Việt Nam – New Zealand
Trang VietNamNet tóm tắt các điểm chính trong toàn văn tuyên bố chung Việt Nam – New Zealand. Về mặt hợp tác chính trị, Thủ tướng 2 nước “nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện và giao các bộ, ngành liên quan của hai bên triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình Hành động 2017-2020”.

Đối với phương diện hợp tác an ninh, quốc phòng, lãnh đạo 2 nước đồng ý mở rộng các lĩnh vực hợp tác, “bao gồm công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quốc phòng, an ninh mạng, chống khủng bố, phòng chống buôn bán ma túy, rửa tiền, di cư bất hợp pháp”.


Vụ Mobifone mua AVG
Hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Ban Bí thư việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần Mobifone-AVG, theo Infonet. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã “trực tiếp gọi điện thoại báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Mobifone và AVG”.

Theo đó, các cổ đông chuyển nhượng sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền bán cổ phần do Mobifone thanh toán. Còn Mobifone trả lại các cổ đông chuyển nhượng “số cổ phần và các tài sản của AVG mà Mobifone đã nhận chuyển nhượng”.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: MobiFone rút khỏi AVG để không làm mất vốn Nhà nước, báo Dân Việt đưa tin. Cho rằng MobiFone chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng khiến AVG có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, còn MobiFone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng, nghĩa là khoảng 711 tỷ đồng. Nên lãnh đạo bộ này cho rằng, lựa chọn hủy hợp đồng là giải pháp tối ưu, chứ không phải do lo sợ trở thành “củi” trong cái lò của bác Tổng?

Các cổ đông AVG đã đặt cọc gần 450 tỷ đồng để cam kết hủy hợp đồng với MobiFone, theo báo Người Đưa Tin. “Tổng công ty viễn thông MobiFone đã báo cáo bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương hủy hợp đồng thỏa thuận mua 95% cổ phần của AVG và đã được Bộ đồng ý”. Quá trình hủy hợp đồng được tiến hành trên tinh thần không để xảy ra thiệt hại cho các bên, “không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước”.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Vì sao Mobifone bất ngờ huỷ hợp đồng mua AVG? Đại diện AVG cho biết một số lý do: Mobifone không phát triển theo như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG, Mobifone mới thanh toán 95% giá trị hợp đồng, thời hạn thanh toán đã quá hạn nhưng MobiFone vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ chi trả 5% còn lại.

Lãnh đạo Tổng công ty Mobifone giải thích: “Quá trình thanh tra đã tác động đến việc hoàn tất thanh toán cho AVG. Ngoài ra do AVG còn khó khăn, thị trường cũng nhiều thay đổi và MobiFone cũng chưa thể tập trung ngay cho việc phát triển AVG”.

Báo Lao Động có bài: Pháp lý vụ hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng AVG. Bài viết lưu ý: Mobifone, phía nhận chuyển nhượng cổ phần, là một DNNN nên “vấn đề quan trọng nằm ở việc chứng minh sự ngay thẳng hay không trong việc thực hiện thương vụ này, như yêu cầu của Ban Bí thư”. Vụ hủy hợp đồng này chỉ có ý nghĩa nếu các cơ quan điều tra xác nhận rằng không có sai phạm gì đằng sau con số 9000 tỷ trong vụ Mobifone mua AVG.

Về chuyện Mobifone và AVG vừa thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng, Facebooker Phạm Lê Vương Các viết“AVG sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho MobiFone. Hành động này chỉ được coi là một biện pháp ‘khắc phục hậu quả’ cho các sai phạm của cả 2 bên, chứ không làm chấm dứt hoạt động điều tra và truy tố theo các tội danh hình sự”.

Facebooker Nguyễn Ngọc Chu viết: Hủy bỏ thỏa thuận Mobifone mua AVG – thuốc thử chống tham nhũng thật giả. Trong bài có đoạn: “Nếu không bắt bỏ tù và xử án đích đáng những kẻ đã cướp đoạt 8900 tỷ đồng của nhân dân trong vụ Mobifone mua AVG, thì lòng tin của người dân về ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn sụp đổ”.

Theo ông Chu, chuyện Mobifone và AVG gấp rút hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền thông, là hành động gỡ gạc, có tính chất chạy tội, “không che được mắt nhân dân”.

Facebooker Trung Minh Phạm viết“AVG và Mobi hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. AVG trả lại Mobi 9 ngàn tỉ, thêm cả 1 ngàn tỉ tiền lãi nữa là 10. Rồi lại có tin đồn có kẻ trả luôn cho AVG 12 ngàn tỉ cùng món hàng ấy”.



Vụ án đánh bạc ngàn tỉ
Trung tướng Trần Đình Nhã nhận định: Vụ cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu hoạt động kiểu mafia, theo báo Dân Việt. Ông Nhã phân tích: “Dấu hiệu hoạt động kiểu mafia nghĩa là những đối tượng phạm tội ngoài xã hội phối hợp với người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước trở thành tổ chức tội phạm”. Dạng tội phạm kiểu mafia hoạt động trong lòng một thể chế chính trị “có thể làm khuynh đảo vai trò của nhà nước”.

Báo Giáo Dục và Thời Đại viết: Tội “Tổ chức đánh bạc” hay tội danh nào khác đối với ông Nguyễn Thanh Hóa. Theo bài viết, cơ quan điều tra cần xem xét rõ ông Hóa có hành vi tổ chức đánh bạc hay không, “bởi nếu với tội danh tổ chức thì ông Hóa vai trò gì trong đường dây này, hay chỉ đơn thuần là việc ông bao che, bảo kê cho những đối tượng thực hiện hành vi tổ chức, điều này cũng cần được làm rõ”.





Hội nghị Trung ương 7
BBC có bài: Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?  Bài viết liệt kê một số câu hỏi lớn dành cho Hội nghị Trung ương 7, khóa 12, sẽ diễn ra trong tháng 5/2018: Hệ lụy từ xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG? Tiết lộ gì từ điều tra Vũ Nhôm? Doanh nghiệp nhà nước? Chiến lược cán bộ? Cải cách tiền lương?

Về vụ Vũ “nhôm”, bài viết dẫn lời của Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: “Một số doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ này nọ rồi bằng nhiều cách để làm giàu cho mình. Và điều đáng buồn là trong quá trình làm giàu thì họ tìm mọi cách để làm giàu. Nhưng khi giàu rồi thì tìm mọi cách để can thiệp vào một số việc của chính quyền nhà nước”.

Vụ án xét lại chống đảng
Bài cuối trong loạt bài trên báo Một Thế Giới về nỗi oan 3000 ngày của tướng Nguyễn Văn Vịnh: Bài học từ một vị tướng tài ba, đức độ. Ông Bùi Huy Hùng, người thân trong gia đình tướng Vịnh kể: Giữa những năm 60, chính tướng Vịnh đã đề xuất với Trung ương chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để “kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất cho ta, bớt đi đổ máu, hy sinh cho dân tộc”.

Ý tưởng này đi ngược lại với chủ trương của Lê Duẩn: Chấp nhận đổ máu, chấp nhận hy sinh hàng trăm ngàn binh lính, miễn là có thể đuổi được người Mỹ và chiếm được miền Nam càng nhanh càng tốt. Ông Vịnh sau đó đã trở thành một nạn nhân của nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trong vụ án “Xét lại chống Đảng”, thực chất là cuộc thanh trừng nội bộ.

Ông Bùi Huy Hùng nói thêm: “Ở Liên Xô, Trung Quốc và ở Việt Nam ta đã xảy ra những câu chuyện đau lòng trong nội bộ Đảng cầm quyền, những vụ án có tính chất chính trị gây oan trái cho bao nhiêu con người, kể cả đối với cán bộ cấp cao như tướng Vịnh”.


Vụ xử đường ống nước sông Đà
Chiều nay, tòa tuyên án vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Các bị cáo nhận án thấp hơn đề nghị của VKS, báo Người Lao Động đưa tin. Các quan chức nhận những bản án cho có lệ: Ông Hoàng Thế Trung, cựu giám đốc ban quản lý dự án nhận hình phạt 2 năm tù. Ông Nguyễn Văn Khải chịu án 20 tháng tù. Ông Trương Trần Hiển chịu án 16 tháng tù. Ông Trần Cao Bằng đối diện mức án 2 năm tù. Ông Vũ Thanh Hải và ông Đỗ Đình Trì nhận hình phạt 20 tháng tù.

Bên cạnh đó, các ông Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân đều nhận án treo. Dựa trên kết luận giám định tư pháp, HĐXX cho rằng: “Nguyên nhân gây vỡ đường ống nước do vi phạm trong việc sản xuất ống”.

Về trách nhiệm bồi thường trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà: Thiệt hại 16 tỉ, bị cáo không phải gánh, theo VietNamNet. HĐXX kết luận như vậy vì Công ty Vinaconex không yêu cầu nhóm bị cáo bồi thường số tiền 16 tỉ mà công ty này chi trả để khắc phục hậu quả. Lãnh đạo Vinaconex cũng sẽ không bỏ tiền túi ra trả và rồi cuối cùng thì cũng người dân nai lưng ra trả.

HĐXX hủy bỏ quyết định khởi tố bị can các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu.


Vụ án TrustBank
VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn vụ 6.300 tỉ của TrustBank, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bà Phấn cùng 28 đồng phạm bị truy tố trong vụ “Cố ý làm trái…” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Ngân hàng TrustBank.

Cáo trạng cho biết: “Bị can Hứa Thị Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín”. Bà Phấn đã yêu cầu cấp dưới lập hồ sơ khống, hạch toán khống để “lấy được và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng”.

Báo Zing có bài: Đại gia Hứa Thị Phấn khiến Trustbank thất thoát hơn 6.300 tỷ. Bài viết lưu ý thái độ bất hợp tác của bà Phấn trong quá trình điều tra: “Do bà Phấn nhập viện để điều trị bệnh huyết áp, tiểu đường nên cơ quan điều tra và VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng sức khỏe để hỏi cung. Tuy nhiên, nữ bị can luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời”.


Vụ án Navibank
Trong phiên xử hôm nay, một LS cho biết: ‘Các bị cáo vô cùng hoang mang’, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Nhóm bị cáo tiếp tục kêu oan, hầu hết nói rằng hành vi của họ chưa thể cấu thành tội. Một LS cho rằng “trong quá trình khai báo các bị cáo đã rất thành khẩn, tuy nhiên lại bị xem là không thành khẩn cho nên luật sư cũng yêu cầu HĐXX cân nhắc lại vấn đề này”.

Nhóm LS đề nghị HĐXX “kiểm tra lại các chứng cứ một cách đầy đủ, để đưa ra một phán quyết công tâm”. Các LS phân tích các căn cứ để đề xuất mức án cho nhóm bị cáo “chưa thực sự rõ ràng và thỏa đáng”, thân chủ của họ không phạm tội như cáo trạng.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Luật sư đang bào chữa bị kỷ luật xóa tên, cần hoãn tòa? Theo đó, LS Phạm Công Út, một trong các LS bào chữa cho nhóm bị cáo vụ Navibank, vừa bị Đoàn luật sư TP.HCM kỷ luật xóa tên. LS Võ Đan Mạch cho rằng: Nhóm bị cáo “có thể đề nghị HĐXX cho hoãn phiên toà để mời hoặc nhờ Tòa án chỉ định người bào chữa khác cho mình nếu thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa”.


CSGT nhận mãi lộ
Phòng CSGT Hà Nội vừa tạm đình chỉ nhiều CSGT Hà Nội nghi mãi lộ, theo báo Lao Động. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, cho biết: Đơn vị này đang tiến hành xác minh, xử lý “vụ việc một clip ghi lại cảnh nhiều cán bộ thuộc PC67 Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn mãi lộ”.

Theo đó, sáng nay trên mạng xã hội xuất hiện một video clip, do nhóm PV báo Tiền Phong thực hiện, ghi lại “nhiều hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 – 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của CSGT”.

Video clip của báo Tiền Phong, với câu hỏi: CSGT Hà Nội ‘làm luật’ như ảo thuật ra sao?

Báo Tiền Phong đưa tin: CSGT Hà Nội tạm đình chỉ cán bộ, xác minh clip ‘mãi lộ’. Đại tá Đào Vịnh Thắng nói với PV Tiền Phong: “Đã tạm đình chỉ công tác đối với số cán bộ chiến sỹ CSGT có mặt trong đoạn clip ghi hình và yêu cầu Ban chỉ huy Đội CSGT số 3, 5, 6 cùng các cán bộ, chiến sỹ có liên quan đến nội dung clip viết báo cáo, làm rõ sự việc”.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm sáng tỏ vụ CSGT nhận mãi lộ, báo Lao Động đưa tin. Ông Chung gửi văn bản yêu cầu Giám đốc Công an TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ thông tin trong clip của báo Tiền Phong ghi lại cảnh nhiều CSGT nhận mãi lộ, “xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 20/3/2018, đồng thời thông tin trả lời báo chí theo quy định”.


Nhà báo bị “quặng tặc” hành hung
Vụ 2 phóng viên bị hành hung: “Đại công trường” khai thác quặng trái phép là địa bàn công ty lâm sản quản lý, theo báo Lao Động. Bà Cao Thị Thêm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh lúc đầu khẳng định rằng không có bãi khai thác quặng nào trên địa bàn xã, nhưng rồi lại “đính chính” là “có bãi khai thác quặng ở tiểu khu 193”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh Lê Đức Dũng xác nhận, rừng ở tiểu khu 193 do Công ty Lâm sản tỉnh Khánh Hòa quản lý: “Chúng tôi không kiểm tra vì không thuộc quản lý của huyện. Họ là doanh nghiệp nhà nước mà. Huyện Khánh Vĩnh lâu nay không có cấp phép khai thác khoáng sản gì cả, còn công ty lâm sản chỉ quản lý về rừng thôi”.

Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị UBND và Công an tỉnh Khánh Hòa làm rõ vụ việc hai phóng viên báo Khánh Hòa bị hành hung, báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin. Ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban thư ký, Ủy viên thường vụ hội này đã ký công văn với nội dung yêu cầu UBND và Công an Khánh Hòa điều tra, xử lý thỏa đáng vụ 2 phóng viên bị “quặng tặc” hành hung, rồi báo lại với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.


Vụ 500 giáo viên bị mất… dạy
Báo Zing đặt câu hỏi: Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Đắk Lắk sẽ làm gì để sống? Một người dân có 3 người con bị cắt hợp đồng giáo viên nói: “Vợ chồng tôi làm việc trong ngành giáo dục hơn 20 năm, giờ nhận tin các con bị chấm dứt hợp đồng rất chua xót… Từ khi chấm dứt hợp đồng, các con đều ở nhà phụ mẹ chưa biết làm gì để sống”.
Một thầy giáo cho biết: “Lương hơn một triệu đồng không nuôi nổi bản thân và gia đình, tôi cùng nhiều thầy cô buộc phải rời trường đi kiếm việc khác. Giờ, chúng tôi không đi dạy nên ở nhà, ai gọi gì cũng làm, không có công việc ổn định”.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk vẫn ‘đang kiểm tra’ sai phạm vụ tuyển dư giáo viên, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Phan Xuân Lĩnh, Chủ nhiệm ủy ban này, cho biết: Chuyện tuyển thừa giáo viên liên quan đến ba nhiệm kỳ chủ tịch huyện Krông Pắk. “Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ – phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 và ông Y Suôn Byă – chủ tịch đương nhiệm – là chủ yếu”.


Vụ cô giáo bị bắt quỳ
Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Công an mời ông Võ Hòa Thuận làm việc, theo báo Người Lao Động. Sáng nay, vợ chồng ông Thuận đã đến làm việc với Công an huyện Bến Lức về chuyện ông Thuận cùng 2 phụ huynh khác bắt cô giáo Nhung quỳ xin lỗi trong ngày 28/2/2018. “Sau tường trình toàn bộ diễn biến, điều tra viên đã tiến hành ghi nhận lời khai ban đầu”.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh, ông Phạm Hữu Vốn, đại diện hội cha mẹ học sinh và cô Nhung cũng được cơ quan cảnh sát điều tra gửi giấy mời lên làm việc.

TS Trần Thành Nam nhận định, vụ ông Thuận ép cô giáo quỳ: Do xót con thì ít mà vì sĩ diện thì nhiều, báo Tiền Phong đưa tin. Theo TS Nam, chuyện cô Nhung bị bắt quỳ phản ánh rằng trong mỗi nhà trường, mỗi lớp học đều có các phụ huynh “quyền lực”, cho nên ý nghĩa đằng sau chuyện ông Thuận ép cô Nhung quỳ là: “Cô không biết tôi là ai, đang làm chức vụ gì à? Cô không biết tôi có thể thay đổi mọi thứ nếu muốn à, mà sao cô dám bắt con tôi phải quỳ”.


Giáo Dục Việt Nam: Loay hoay “trồng người”
Báo Một Thế Giới có bài: Thầy ơi là thầy. Trong khi bàn về những bất cập và sự sa sút của nghề giáo và nghề y hiện nay, bài viết trình bày luận điểm rất hiếm và rất khó xuất hiện trên báo “lề đảng”: Đề cao tinh thần giáo dục nhân bản của xã hội miền Nam trước năm 1975.

Trong khi đó, ở Anh: Tốt nghiệp loại ưu, cựu sinh viên đòi trường đại học bồi thường 1,8 tỷ đồng vì thấy tấm bằng chẳng giúp được gì. Sinh viên có quyền kiện nơi mình học để đòi bồi thường khi thấy tấm bằng không có nhiều giá trị. Còn ở Việt Nam, hàng triệu sinh viên mất nhiều thời gian, công sức để học các môn học vô bổ là chủ nghĩa Marx – Lenin, lịch sử, đường lối của đảng CSVN. Các môn này chẳng đóng góp được gì vào hồ sơ xin việc, nhưng các sinh viên Việt Nam lại không có quyền kiện để đòi bồi thường cho thời gian, công sức mà họ đã mất.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo New York Times đưa tin: Cô Stormy Daniels đề nghị trả $130K để chấm dứt thỏa thuận im lặng. Nữ diễn viên phim người lớn Stephanie Clifford (tên nghệ nhân là Stormy Daniels) đề nghị trả số tiền $130.000 Mỹ kim cho luật sư của ông Trump là Michael Cohen, để cô có thể tự do tiết lộ câu chuyện tình ái của mình với ông Trump cho báo chí.

Theo đề nghị của ông Avenatti, luật sư riêng của cô Clifford, cô sẽ được phép “tự do công khai kể về mối quan hệ tình cảm của cô với Tổng thống, và những nỗ lực bịt miệng cô, sử dụng và công khai bất cứ tin nhắn, hình ảnh và băng hình liên quan đến Tổng thống mà cô có trong tay, tất cả mà không sợ bị trả thù và/ hoặc chịu trách nhiệm pháp lý về những thiệt hại”.

Báo Cali Today dẫn nguồn từ Fox News đưa tin: Uỷ ban Tình báo Hạ viện: Không có chứng cớ thông đồng Trump-Nga. Dân biểu đảng Cộng hòa thông báo, ủy ban này không đồng tình với đánh giá của cộng đồng tình báo, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ưu ái cho ứng cử viên Donald Trump: “Chúng tôi bất đồng với ý kiến của Cộng đồng Tình báo cho rằng, ông Putin ủng hộ ông Trump”.

Các dân biểu thuộc đảng Dân chủ ở trong ủy ban này, đứng đầu là ông Adam Schiff, đã không đồng tình với kết luận của ủy ban. Họ nói rằng, ủy ban vẫn chưa phỏng vấn các nhân vật cần phỏng vấn. Dân biểu Adam Schiff nói: Lịch sử sẽ phán xét các hành động của các đảng viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện một cách khắc nghiệt.






***









No comments:

Post a Comment

View My Stats