Thursday 14 December 2017

TIN TRONG NƯỚC NGÀY 14/12/2017 (BTV Hoàng Long - Báo Tiếng Dân)




BTV Hoàng Long

Tin Biển Đông
Tổng kết tình hình Biển Đông sau một năm, báo Tuổi Trẻ có bài bình luận: Biển Đông – một năm sóng ngầm dưới bề mặt yên ả. Tác giả Trần Phương dẫn lời chuyên gia Yun Sun của Chương trình Đông Á, Trung tâm nghiên cứu về an ninh và hòa bình quốc tế Stimson ở Hoa Kỳ: “Trung Quốc coi mối đe dọa an ninh lớn nhất là sự do thám và giám sát của Mỹ trên Biển Đông. Việc ngăn và đánh bật sự hiện diện quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc còn quan trọng hơn chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ”.

Theo tác giả, Trung Quốc đã cố ý giữ cho tình hình Biển Đông không “tăng nhiệt” trong một năm qua. Một mặt, Trung Quốc sử dụng sáng kiến “một vành đai, một con đường” để đầu tư cho chính các nước tham gia tranh chấp. Mặt khác, Trung Quốc chấp nhận sẽ đàm phán với 10 nước ASEAN trong năm 2018 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Thậm chí, Manila đã thống nhất với Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, “Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”. Chỉ trong hai tháng cuối năm 2017, Trung Quốc hết giới thiệu “công cụ xây đảo thần kỳ – chiếc tàu nạo vét lớn và hiện đại nhất – lại đến xác nhận việc triển khai máy bay chiến đấumáy bay ném bom trên không phận Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu, tờ báo diều hâu của Trung Quốc cũng mạnh dạn tuyên bố căn cứ trên đảo Phú Lâm có những “nhà chứa máy bay đặc biệt giúp hiện thực hóa việc thường xuyên triển khai chiến đấu cơ”.


Trung Quốc và “bánh vẽ” cho ngành đường sắt Việt Nam
Thời báo Kinh tế Việt Nam có bài: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: 10 năm thi công, 4 lần sai hẹn để tóm tắt về “sức ỳ” của dự án này. Theo tác giả: “Trên công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, hiện chỉ có một số khu bảo dưỡng sửa chữa, tòa nhà điều hành, nhà xưởng đang thi công các hạng mục điện nước, nền đường, chưa hoàn thành lắp đặt cửa, ốp lát. Phần lớn hệ thống thông tin liên lạc, điện, viễn thông tại các nhà ga vẫn chưa được lắp đặt”.

Vậy là sau khi “câu giờ” được gần 10 năm (từ năm 2008), nhà thầu Trung Quốc tiếp tục có lý do để lùi thời hạn vận hành chạy thử đến cuối năm 2018 (trước đó đã hẹn đến đầu năm 2018).

Tác giả dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông: “Đến nay các vướng mắc trong việc giải ngân phía Việt Nam đã được giải quyết, chỉ chờ các thủ tục phía Trung Quốc cho khoản vay 250 triệu USD”. Mức vay 250 triệu USD này đã được đề xuất từ năm 2014, đến giờ vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Vì cách làm không minh bạch mà phía Trung Quốc càng làm càng phát sinh thêm nhiều chi phí, thủ tục, nhiều vấn đề dẫn đến bế tắc. Liệu các công dân thủ đô sẽ được sử dụng một công trình có chất lượng đúng với số tiền đầu tư, hay chỉ được hưởng miếng “bánh vẽ” giá gần 1 tỷ USD?

Dự án bế tắc thì kệ dự án, lãnh đạo ngành đường sắt hai nước vẫn nhất trí thúc đẩy vận tải liên vận đường sắt Việt Nam – Trung Quốc. Quan chức hai bên đạt được sự đồng thuận này trong Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41 tổ chức ngày 13/12/2017 tại Côn Minh.

Theo ông Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN, sau một năm thực hiện các điều khoản đã kí tại Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 40 tổ chức năm ngoái ở Hà Nội, tình hình liên vận đường sắt giữa hai nước ngày càng khởi sắc, khối lượng vận chuyển ngày càng tăng. Tuy nhiên, ông Cục trưởng Đường sắt cho rằng khối lượng vận tải như vậy vẫn chưa đủ, cần phải có “những kế hoạch hợp tác hiệu quả, toàn diện hơn và đa dạng hơn nhằm mục đích nâng cao khối lượng vận tải, tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai nước”.

Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41. Ảnh: Báo Giao Thông.


Yếu tố Trung Quốc và những bất ổn trong thị trường Việt Nam
Nhân dịp sắp có thêm những “đồng tiền khôn” từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam, báo Đất Việt đăng bài: Dòng vốn mới Trung Quốc đổ vào Việt Nam: Những cảnh báo. Trả lời phỏng vấn sau hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn, TS Bùi Quang Tín cho rằng, “bên cạnh những cơ hội Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít những rủi ro.

Tôi lấy ví dụ, rủi ro về vấn đề minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là những thương vụ mua bán, đầu tư với các nhà đầu tư Trung Quốc… đã có thời điểm dư luận nói nhiều tới hiện tượng thị trường Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn, thao túng, gây khó khăn trong sản xuất, mua bán các mặt hàng nông sản hay những chiêu trò gây khó khăn trong lĩnh vực du lịch, mua bán bất động sản… rất nhiều bài học đã từng xảy ra”.

Không tính đến chuyện thao túng, lũng đoạn thị trường Việt Nam, thì những mô hình hợp tác kinh tế kiểu Trung Quốc cũng chính là một cách “xuất khẩu nợ”. Về việc này, TS Tín bình luận rằng: “Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thị trường mua bán nợ thì đây cũng có thể là một xu hướng ‘đi tắt, đón đầu’ của ngân hàng Trung Quốc để tham gia vào tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng, hình thành hệ thống mua bán nợ trên toàn Việt Nam trong thời gian tới”.


Nguy cơ hàng Việt Nam nhường… sân nhà cho Trung Quốc
Trong tình hình khoai tây Trung Quốc tràn ngập thị trường, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng dự định chống khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai Đà Lạt bằng… poster. Tác giả bài viết dẫn thông tin đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng: “Từ năm 2018, Lâm Đồng sẽ điều tra tình hình SX, tiêu dùng khoai tây, thống kê diện tích, năng suất, sản lượng, giống khoai tây, số hộ, cơ sở đang SX, kinh doanh khoai tây Đà Lạt để làm cơ sở xây dựng tờ rơi”.

Như vậy, trước thực trạng khoai tây Trung Quốc giả dạng khoai Việt Nam ngay trong lãnh thổ Việt Nam, đe dọa nền an ninh lương thực, giải pháp của các lãnh đạo có liên quan là hy vọng người dân dựa vào tờ rơi để phân biệt thật, giả.

Trang Vietnam Finance đưa tin: Lộc Trời gặp khó trong ‘cơn bão’ thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc. Tác giả bài viết dẫn thông tin từ báo cáo của Bộ NN&PTNT: “Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên vật liệu đã tăng 47,9% so với cùng kỳ, đạt 739 triệu USD. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 54,2% tương đương 400,5 triệu USD (tăng 66% so với cùng kỳ)”.

Trong lúc thị trường đang có xu hướng tiến tới bão hòa, hàng Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt ngay trên thị trường Việt Nam, ngay cả gạo của tập đoàn Lộc Trời cũng phải “hụt hơi”, thậm chí càng lúc càng đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Từng là doanh nghiệp đi đầu trong thị trường hàng nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2005-2015, tác giả cho rằng để lý giải tại sao Lộc Trời lâm vào cảnh như vậy, phải kể đến sức ép từ hàng Trung Quốc “ngày càng lớn, khiến vị thế về thị phần của Lộc Trời ngày càng căng thẳng”.

Chuẩn bị cho thêm củi vào lò
Báo Vietnam Finance đưa tin: PVN phải thu hồi, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm sai, không thể chỉ “rút kinh nghiệm”. Tác giả dẫn thông tin từ văn bản Bộ Công thương gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), “yêu cầu đơn vị này kiểm điểm lại và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định”.

Trước đó, PVN đã gửi báo cáo đến Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của bộ này trong tổ chức kiểm điểm cán bộ sai phạm. Bộ Công Thương không đồng ý và cho rằng, “PVN phải tiến hành xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công trong việc tuyển dụng cán bộ có sai phạm nêu trên”.

Báo Người Lao Động có bài: Về hưu cũng phải xộ khám. Tác giả cho rằng: “Sau khi khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố một cán bộ cấp cao khác đã nghỉ hưu 6 năm như ông Lê Quang Thung, cho thấy trong công tác chống tham nhũng thực sự không có vùng cấm”.  Tác giả cũng nhắc đến những trường hợp doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ phải chịu trách nhiệm trước “Đảng và nhân dân”, điển hình là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Báo Thanh Niên đăng bài: Bắt tạm giam nguyên giám đốc và kế toán trưởng Công ty cao su Phú Riềng. Tác giả dẫn nguồn tin của báo, cho biết: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam Nguyễn Hồng Phú, nguyên giám đốc và Hoàng Văn Sơn, kế toán trưởng Công ty cao su Phú Riềng”.

Đây là diễn biến tiếp nối việc ông Lê Quang Thung, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam, cùng các đồng phạm ở Tập đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên bị khởi tố trong ngày 12/12/2017.



Nhưng lò vẫn … kén củi
Tuy lửa trong lò đã bốc cao hơn trước, lò của bác Tổng vẫn có dấu hiệu… kén củi. Nên mới có chuyện: Năm 2017: Yên Bái chỉ phát hiện 3 đối tượng tham nhũng, cử tri khó tin. Đấy là kết quả báo cáo phòng chống tham nhũng của kỳ họp thứ 8, khóa XVIII của HĐND tỉnh Yên Bái. “Cử tri đặc biệt quan tâm về kết quả phòng chống tham nhũng”, nhưng “kết quả chống tham nhũng năm 2017 chỉ phát hiện 3 đối tượng tham nhũng”.

Theo tác giả, “không ít cử tri khó tin công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh Yên Bái. Vì nhiều việc người dân phải ‘lót tay’ mới xong việc. Hiện tượng ‘tham nhũng vặt’ vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực”.

Báo Giáo Dục có bài bình luận: Ta chưa biết địch, hay vì địch…mạnh như ta? Tác giả dẫn lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta”.

Và đánh giá rằng: “Sau hơn hai mươi năm đấu tranh chúng ta vẫn chưa giành được thắng lợi trong chuộc chiến chống tham nhũng có phải vì chưa ‘biết địch biết ta’ hay vì ‘địch mạnh như … ta’? Đặc điểm “kén củi” của cái lò bác Tổng rõ ràng liên quan nhiều đến câu hỏi này.

Theo tác giả, “chừng nào các vụ đại án chỉ tập trung vào kinh tế thì chừng đó thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm vẫn sẽ rất xa vời bởi gốc rễ của vấn đề là cán bộ và gốc rễ của cán bộ là những người chịu trách nhiệm giới thiệu, đề cử, phê duyệt”. Đấy là lý do lò lửa của bác Tổng rất hăng hái tiếp nhận một số loại củi này, nhưng cũng rất kén chọn và chưa tiếp nhận được một số loại củi khác, đặc biệt là củi từ rừng gần nhà bác Tổng!

Báo Đất Việt có bài: Sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng đã được xử bình đẳng. Tác giả dẫn lời cử tri Nguyễn Kim Tuấn phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tại quận Hải Châu tổ chức ngày 13/12/2017: “Ông Nguyễn Xuân Anh sai phạm và đã chịu kỷ luật. Nhưng ông Huỳnh Đức Thơ bị kỷ luật mức độ cảnh cáo có đúng không?”

Thực tế, không chỉ cử tri Tuấn, mà có không ít cử tri Đà Nẵng, cũng như dư luận phía dân, đều nhận thấy: cùng là củi Đà Nẵng, nhưng ông Nguyễn Xuân Anh bị dồn vào chân tường, còn ông Huỳnh Đức Thơ chỉ bị cảnh cáo.

Về phía quan chức, cử tri nói là việc của cử tri, ông Trương Quang Nghĩa một hai vẫn cho rằng ông Anh và ông Thơ đều được “xử lý theo nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng”. Một vị Đại biểu Quốc hội khác cũng nói thêm: “Việc xử lý cảnh cáo là đúng quy định của pháp luật, bởi trung ương đã vào cuộc rất rốt ráo, còn cho rằng mức xử phạt nhẹ không tương xứng là ý kiến của cử tri chứ không phải kết luận của cơ quan, cấp lãnh đạo có thẩm quyền”.


Bất cập BOT – Từ đầu tư thành gánh nặng
Báo VnEconomy có bài: Rủi ro tín dụng BOT. Tác giả dẫn thông tin từ ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Tính đến tháng 9/2017, dư nợ đối với các dự án BOT, BOT giao thông ước 90.311 tỷ đồng, tăng 3,53% so với cuối năm 2016, chiếm 1,46% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng cấp cho toàn bộ nền kinh tế”.

Tác giả cũng thuật lại lời ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Trong số các dự án BOT, BT giao thông vay ngân hàng, hiện có khoảng 7 dự án lớn đang có biểu hiện giống như BOT Cai Lậy: tài xế phản ứng giá vé quá cao và đặt trạm thu phí không đúng chỗ bằng cách trả tiền lẻ nhằm gây ùn tắc để trả đũa”.

Theo tác giả bài viết, BOT đang là một gánh nặng đối với cả phía tài xế và chủ nợ của các nhà đầu tư. Đối với các tài xế và chủ doanh nghiệp, việc trả phí BOT đúng như quy định của một số trạm sẽ khiến họ gần như không thể có lãi. Việc giảm phí BOT và không kéo dài thời gian thu hồi vốn chắc chắn sẽ khiến “mất cân đối dòng tiền” đối với các ngân hàng đã đầu tư BOT.

Trang Zing đưa tin: Tài xế phản đối BOT Cai Lậy mời 3 luật sư cùng đến gặp công an. Tác giả kể lại trường hợp của tài xế Nguyễn Minh Trung và tài xế Trịnh Hồng Phương, hai người này đều đã lên làm việc với công an, an ninh về những việc xảy ra ở BOT Cai Lậy trong ngày 30/11/2017. “Hai tài xế Trung và Phương từng bị Công an Cai Lậy đưa về trụ sở làm việc khi trạm BOT Cai Lậy hỗn loạn trong ngày đầu thu phí trở lại. Lần làm việc trước đến gần 23h họ mới được công an cho về”.

Việc an ninh mời hai tài xế lên làm việc đã lặp lại bài bản của lần tạm dừng BOT Cai Lậy hồi giữa tháng 09/2017. Lúc đó, CSGT Đồng Nai đã mời tài xế đưa tiền lẻ tại trạm BOT lên làm việc.

Tài xế Trịnh Hồng Phương lúc bị cảnh sát cơ động khống chế. Nguồn: Zing

Mời bạn đọc xem video “Nhìn lại 5 ngày khủng hoảng ở BOT Cai Lậy” của trang Zing:


Kinh tế Việt Nam
Báo VnEconomy đăng bài: “Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp lẫn người dân”. Phát biểu tại “Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng” tổ chức sáng ngày 13/12/2017, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: “Cứ quy hoạch mà không xây dựng, treo ở đấy, ai cũng không được đụng vào. Cái này nguy hiểm. Dân đã kêu, báo chí cũng nêu rất nhiều“.

Tác giả cũng thuật lại lời ông Trần Hùng, thuộc Hiệp hội Quảng cáo, về vấn đề giấy phép, thủ tục chồng chéo: “Khi xin giấy phép thì ngành xây dựng yêu cầu phải có chấp thuận ở ngành văn hóa. Điều đó cũng như ‘con gà và quả trứng’, không biết cái gì có trước. Trong khi các địa phương thì hầu hết chỉ biết thực hiện máy móc theo luật”.

Thời báo Tài chính đưa tin: Doanh nghiệp khuyến nghị giãn lộ trình đóng BHXH theo quy định mới. Tác giả dẫn lời ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Việc cùng thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo nghị định mới cũng như chính sách đóng bảo hiểm trên tổng thu nhập sẽ là một gánh nặng lớn về chi phí cho doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm đi”. Vì vậy, ông Phòng cho rằng nên giãn lộ trình đóng BHXH theo quy chế mới.


Nỗi buồn ngành chăn nuôi Việt Nam
Báo Người Lao Động có bài nhận định: Đừng mơ heo hơi quay về giá 45.000-50.000 đồng/kg như trước. Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: “Chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi heo lại rơi vào điểm nghẽn dư thừa nguồn cung như đầu năm 2017”.

Tác giả ghi nhận, việc cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giải cứu giá thịt heo. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Nguyên nhân chính là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường”.

Tác giả cũng thuật lại lời ông Vinod Ahuja, chuyên gia chính sách của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực châu Á, Thái Bình Dương: “Khủng hoảng giá với thịt heo đã gây ra hệ lụy lớn tới các nông hộ nhỏ lẻ… Việt Nam đang ở ngã ba đường, muốn xuất khẩu chăn nuôi thì vấn đề bền vững là rất quan trọng… người nông dân phải được tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, ra quyết định”.


Tin Đồng Tâm
Báo Pháp luật TP đưa tin: Bãi miễn chức chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm của bà Lan. Phiên họp bất thường của HĐND xã Đồng Tâm tổ chức sáng ngày 13/12/2017 đã thông qua quyết định miễn chức chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm của bà Nguyễn Thị Lan, cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm.

Tác giả bài viết ghi nhận, “đã có nhiều người dân xã Đồng Tâm đến tập trung tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm… đến trưa cùng ngày vẫn còn rất nhiều người dân Đồng Tâm tập trung tại khu vực trụ sở UBND xã Đồng Tâm. Một người dân ở đây cho biết nguyên nhân người dân kéo đến trụ sở xã là muốn nghe lý do bãi miễn chức vụ chủ tịch HĐND của bà Nguyễn Thị Lan, người được nhân dân xã Đồng Tâm bầu ra. Người dân này cũng cho biết hiện lực lượng công an cũng có mặt tại khu vực này để đảm bảo an ninh trật tự”.

Người dân Đồng Tâm tập trung trước trụ sở UBND-HĐND xã Đồng Tâm sáng 13-12-2017. Ảnh: PLTP

Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Đoàn Thanh Giang đưa tin: Sáng 13/12/2017, khoảng 30 dân oan từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai, Bạc liêu, Ninh Bình, Long An, Quảng Ngãi, Bắc Giang cùng biểu tình ở Hà Nội. Đoàn biểu tình dự định đi từ phố Nguyễn Cảnh Chân đến Phủ chủ tịch nước, Trụ sở Trung ương đảng CSVN và Phủ Thủ tướng. Tuy nhiên, trong quá trình biểu tình, nhiều người đã bị an ninh khống chế, đưa lên các xe bus.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà có bài viết: Đang ngủ trưa bị bắt đi… giám định tâm thần! Người bị bắt đi ở đây là bà Trần Thị Mỹ Hiền: “Vào 14:00 ngày 28.11 vừa qua, tại nhà riêng trên đường Hưng Gia, P. Tân Phong, Q7; trong khi đang nghỉ trưa thì gia đình anh Tâm bị 20 công an và Y tế, dân phòng ập vào đưa ra ‘Quyết định dẫn giải’ số 1864/PC44-Đ3 về việc tổ chức giám định pháp y tâm thần với mẹ anh – bà Trần Thị Mỹ Hiền”. Tuy nhiên, gia đình và luật sư của bà Hiền đã buộc phía công an phải lùi bước.

Về nguyên nhân sự việc, tác giả cho rằng có mối liên quan với một thầy bói đã từng đến tống tiền nhà bà Hiền, yêu cầu số tiền 1 tỉ, nếu không sẽ có công an của C45 đến bắt bà Hiền đi khám bệnh tâm thần. “Theo anh Lê Xuân Tâm cho hay, những cán bộ CATP này đến nhà nói chuyện… y chang như ông Bốn từng đe dọa và báo trước cho gia đình!?”

Luật sư của bà Hiền khẳng định: “Việc ban hành, tổ chức dẫn giải mà không cho chúng tôi thực hiện các quyền theo luật định là vi phạm pháp luật. Việc áp dụng Điều 34 và Điều 134 BLTTHS của Cơ quan CSĐT trong Quyết định dẫn giải là không phù hợp!”








No comments:

Post a Comment

View My Stats