Saturday 16 December 2017

BẢN TIN NGÀY 16-12-2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Infonet đưa tin: Trung Quốc đã xây xong kho chứa đạn, tháp radar ở Biển Đông?  Tác giả lược dịch thông tin từ Reuters, cho biết, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, công bố một bản báo cáo kèm hình ảnh vệ tinh, cho thấy “Trung Quốc đã cho xây một hệ thống radar tần số cao ở phía bắc bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Còn tại bãi Subi, các đường hầm cũng đã được xây xong mà khả năng sẽ được sử dụng làm cơ sở lưu trữ đạn dược. Tại bãi Vành Khăn, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép các nhà kho dưới lòng đất để chứa đạn dược cùng các nhà kho chứa máy bay, tên lửa và hệ thống radar, theo AMTI”.

Ảnh chụp tháng 6 năm nay cho thấy các công trình Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS/AMTI

VOA đưa tin: Trung Quốc công bố kế hoạch dùng mạng lưới vệ tinh do thám Biển Đông. Hải Nam Nhật Báo của Trung Quốc, dẫn lời một chuyên gia của Viện nghiên cứu Viễn thám và Địa cầu Kỹ thuật số Tam Á, cho biết, kế hoạch của TQ dự định “đưa thêm 10 vệ tinh vào không gian từ đảo Hải Nam ở phía nam nước này trong ba năm tới để có thể do thám toàn bộ Biển Đông, một bước đi mà có thể củng cố hơn nữa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp“.

Mạng lưới vệ tinh này sau khi hoàn thành, “có thể thám sát Biển Đông liên tục 24 giờ đồng hồ và phân tích từng vật thể một cách chi tiết trong vùng biển này, bao gồm cấu trúc của những chiếc tàu...”

Trước việc Trung Quốc mang khí tài, đạn dược, cũng như các công cụ do thám ra Biển Đông, quan chức Việt Nam ở trên bờ lập tức “trả đũa” bằng cách… chủ động phản bác thông tin sai trái về chủ quyền biển, đảo của VN. Hành động “đáp trả” tức thì này được tiến hành ở hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo giai đoạn 2013 – 2017 và 3 năm triển khai thực hiện quyết định số 616 ngày 11/5/2015 của Thủ tướng, tổ chức chiều ngày 15/12/2017.

Tác giả dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ TT&TT: “Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền biển, đảo đã đạt được hiệu quả cả về bề rộng và chiều sâu với cách làm mới, nhiều hoạt động có ý nghĩa”.

Theo Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn, trong tình hình “quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực”, chỉ có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên tất cả các phương diện mới là “hướng đi đúng, có hiệu quả”.

Mỹ và đồng minh phản đối việc Trung Quốc xâm lấn, xây dựng trái phép trên lãnh hải Việt Nam là việc của họ. Việc của quan chức Việt Nam trên bờ là kiên định với “16 chữ vàng”, tuyệt đối không được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền để thanh niên cũng không dám “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” luôn.


Quan hệ Việt – Trung
Hưởng ứng việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, các lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc nhất trí thúc đẩy triển khai thỏa thuận cấp cao. Trang Chính Phủ Việt Nam đưa tin, chiều hôm qua, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 3, ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc là ông Vương Nghị.

“Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, tích cực thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả những thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao”.

“Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng ghi nhận các kết quả tích cực gần đây trong tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN-Trung Quốc; đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào thảo luận các nội dung thực chất của COC, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC cũng như triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại Biển Đông”.

Chắc ngài Phó Thủ tướng cũng ghi nhận luôn các kết quả “tích cực” mà Trung Quốc đã đạt được trong việc mang chiến đấu cơ, máy bay ném bom, tàu chiến ra tuần tra Biển Đông?!

Trung Quốc và những miếng “bánh vẽ” cho nhà đầu tư Việt Nam
Facebooker Bùi Quang Minh có bài: Điểm mặt chất lượng vài công trình của tình hữu nghị dài lâu Trung Quốc – Việt Nam xưa nay. Tác giả thống kê một số dự án có dấu tay của các đồng chí “16 chữ vàng” đã đem lại “lợi ích” là số âm trăm tỉ, nghìn tỉ, cũng như những thảm họa môi trường cho dân tộc Việt.

Theo tác giả, “Khu gang thép Thái Nguyên”“Phân đạm Hà Bắc”“Cầu Thăng Long”“Nhà máy điện Ninh Bình”, “Nhà máy đạm Ninh Bình”“Khu liên hiệp công nghiệp giấy Việt Tr씓Nhà máy mì chính miến Việt Tr씓Nhà máy sơ sợi Đình Vũ”“Dự án Nhôm Boxit Tây Nguyên”“Cụm nhà máy nhiệt điện Bình Thuận”“Dự án đường sắt trên cao Hà Nội”“Trụ sở Bộ Công An, đường Phạm Văn Đồng”“Dự án liên hợp Gang thép và cảng nước sâu Formosa” là những cái tên điển hình trong danh sách còn dài của những dự án “để lại những hậu quả không gì bù đắp được”.

Báo Tiền Phong có bài bình luận: Bài học đau đớn, cần xử lý trách nhiệm. Tác giả cho biết: “Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông lại vỡ tiến độ và đang xin gia hạn thêm gần 1 năm. Điều này khiến bức xúc của dư luận về dự án vốn trì trệ, nhiều tai tiếng này ngày một tăng”.

Trước mắt, “miếng bánh” 250 triệu USD mà phía Trung Quốc hứa vẫn đang treo lơ lửng: “Về vốn bổ sung, hiệp định vay thêm 250,6 triệu USD cho dự án được ký kết từ ngày 11/5/2017 nhưng chưa thể giải ngân do các bên chưa thống nhất được về cơ sở pháp lý”.

“Với vốn vay từ Trung Quốc, mỗi ngày dự án phải trả lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Số lãi này chưa tính vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án. Như vậy, nếu gia hạn thêm 11 tháng, số tiền lãi vay đã là 396 tỷ đồng; nếu tính dự án chậm trong 3 năm, số tiền đội lên sẽ hơn một nghìn tỷ đồng”.

Báo Người Lao Động có bài: Gang thép Thái Nguyên nuốt ngàn tỉ rồi… bất động! Tác giả dẫn thông tin: “Dự án được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế… tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỉ đồng… Dự án dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5-2011 nhưng đến nay vẫn ‘giẫm chân tại chỗ’.”

Tin vào chủ thầu Trung Quốc, kết quả là, “đơn vị này ôm mức nợ hơn 7.430 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 3.310 tỉ đồng, nợ dài hạn 4.120 tỉ đồng. Trong năm 2016, con số này là 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn 3.916 tỉ đồng”.

“Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 1.404 tỉ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) 1.869 tỉ đồng; vốn của chủ đầu tư 1.290 tỉ đồng. Số tiền đã giải ngân là rất lớn nhưng nghịch lý là đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” và gần như không thể tái khởi động”.

Báo Lao Động đưa tin: Nhà máy Soda Chu Lai ngừng hoạt động: 2.000 tỉ đồng vay ngân hàng nguy cơ thành nợ xấu. Tác giả ghi nhận: “Tháng 4.2010, Nhà máy soda Chu Lai khởi công trên diện tích 60ha tại KCN Bắc Chu Lai, với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD (gần 2.300 tỉ đồng). Sau không khí hồ hởi đón chào, thì dự án ngàn tỉ này rơi vào cảnh ỳ ạch xây dựng và mất đến 5 năm chậm trễ”.

“Cũng ngay khi hoạt động, NM Soda Chu Lai đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về tiếng ồn, bụi bẩn và nước thải. Hơn 240 hộ dân xã Tam Hiệp đã liên tục bao vây nhà máy phản ứng. Thuỷ sản nuôi tại các đầm hồ lân cận chết trắng”.

Nguyên nhân thì không ở đâu xa: “Lãnh đạo BQL Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đến thời điểm này NM Soda chưa khắc phục được hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, ngừng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, việc không sản xuất là do khó khăn về tài chính, trục trặc kỹ thuật vì nhập dây chuyền thiết bị Trung Quốc”.

Điều đáng sợ của những dự án có dấu tay “bạn vàng” này là chúng khiến bao nhiêu tiền trong các ngân hàng Việt Nam trở thành “tiền chết”, đôi khi chúng còn tạo ra những “quả bom môi trường”.

Mời đọc thêm: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải kiểm soát được nước thải, khí thải ở Vĩnh Tân (TN). Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cũng là “quả bom môi trường” mà Trung Quốc ưu ái “đầu tư” cho Việt Nam từ lâu. – Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lùi tiến độ thêm 11 tháng (VTV). Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã “đắp chiếu” (SGGP).

Chỉ có dân và nước là tất cả
Nhân dịp bác Tổng tuyên bố: Nếu để suy thoái mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả, nhà thơ Thái Bá Tân có bài: Gửi bác Trọng, trong đó có các câu sau: “Bác nói: ‘Nếu mất đảng/ Mất chế độ hiện nay/ Sẽ là mất tất cả// Thật khó hiểu câu này/ Đảng chỉ là tổ chức/ Bé nhỏ và nhất thời/ Nhân dân và tổ quốc/ Mới vạn đại, muôn đời/ Nghe bác nói như thế/ Tôi chẳng hiểu thế nào/ Là giáo sư, tiến sĩ/ Một người học vấn cao”.

Tác giả phân tích: “Cuộc sống luôn thay đổi/ Chế độ cũng thay theo/ Cũng thế, đảng của bác/ Đã đổi mới rất nhiều/ Một cái ta mơ ước/ Và đeo đuổi trước đây/ Bây giờ không phù hợp/ Không phù hợp thì thay/ Như thế là biện chứng/ Và cũng hợp lòng dân/ Vậy thì thay, một lúc/ Hoặc từng bước, dần dần/ Mất đảng, mất chế độ/ Nhưng các nước Đông Âu/ Không hề “mất tất cả”/ Mà văn minh và giàu/ Còn ta, nếu mất đảng/ Chuyện gì sẽ xẩy ra?/ Thưa bác, xin nói thật/ Là phúc cho nước nhà”.

LS Lê Văn Luân có bài: Nhân dân mới là tất cả. Tác giả đánh giá lời tuyên bố của bác Tổng: “Nếu ông ấy nói với người dân tại một quảng trường thì hẳn câu nói ấy, mang tính cảnh báo cho những người cùng lợi ích, thì chắc hẳn nó không thể nào phù hợp và cũng thật là chuyện hài hước. Vì nhân dân và tổ quốc thì luôn còn, đảng phái hay chế độ thì chỉ là một nhóm người nắm quyền điều hành trong một giai đoạn”.

Tác giả phân tích: “Chỉ có những người có quyền và lợi ích liên quan đến chế độ mới lo sợ ‘mất tất cả’. Nhưng rõ ràng rằng, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thì mọi sự tan rã của thể chế đều đưa quyền lực trở về với chủ nhân thực sự của nó, và chủ nhân ấy sẽ lại tiếp tục trao cho những (nhóm) người đại diện phù hợp nhất mà họ tin tưởng trong tiến trình tiếp theo”.

Lò, củi và vấn đề nội bộ Đảng
Trang BBC có bài bình luận: Việt Nam: Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm. Tác giả cho biết: “Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ông Đinh Thế Huynh tiếp tục chữa bệnh, … Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sẽ phụ trách cơ quan này trong thời gian ông Huynh ‘nghỉ công tác để chữa bệnh’.”

Về bức tranh chính trị ở Đà Nẵng, tác giả ghi nhận: “Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa được Đảng Cộng sản phân công về lãnh đạo đảng bộ Đà Nẵng. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Đảng cảnh cáo nhưng giữ nguyên chức vụ. Tuy nhiên, dường như uy tín của ông Thơ tại Đà Nẵng đang lung lay”.

Tác giả cũng nhắc đến chuyện cử tri không bằng lòng về việc phân biệt đối xử giữa hai ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ, dù cùng là củi “Đà Nẵng”: “Hôm 13/12, tại buổi tiếp xúc cử tri, một số người dân kiến nghị Bí thư Trương Quang Nghĩa giải thích về quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Đức Thơ, theo báo chí Việt Nam. Cử tri Nguyễn Kim Tuấn được dẫn lời nói ‘nhiều cán bộ hưu trí không bằng lòng’ khi ông Huỳnh Đức Thơ chỉ bị cảnh cáo”.

David Trần Hiếu viết tiếp loạt bài:Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ – Phần 8: Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT. Tác giả liệt kê một số “thành tích” của Thứ trưởng Nguyễn Nhật, đệ tử của Đinh La Thăng như: xài bằng tiến sĩ dỏm, cố ý làm trái trong vụ Formosa (tạo ưu đãi về thuế cho Formosa và chỉ đạo trái luật về thu hồi, tái định cư… dự án Formosa), các dự án BOT, dự án Luồng Sông Hậu, bảo kê cho các vụ nạo hút cát trái phép…

Blog VOA có bài của nhà báo Trân Văn: Công an đang phân hóa? Từ chuyện BOT Cai Lậy, tác giả so sánh cách tiếp cận vấn đề của hai ông tướng công an: “Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, tuyên bố với báo giới, lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam đã ‘chỉ đạo công an địa phương làm rõ và xử lý nghiêm chuyện làm mất trật tự, đặc biệt đối với những người cầm đầu xúi giục, gây rối ở Trạm thu phí Cai Lậy – Tiền Giang’. Viên tướng này nhấn mạnh, Tổng cục Cảnh sát sẽ hướng dẫn về mặt nghiệp vụ để sớm tìm ra những người gây rối”.

“Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, bảo với tờ Một Thế Giới rằng, những chi tiết kiểu như ‘phát giác 14 xe sử dụng tiền lẻ chạy qua, chạy lại Trạm thu phí Cai Lậy’ mà Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang nêu trong báo cáo đã kể, ‘không thể xem là vi phạm trừ khi họ tổ chức kích động gây rối’. Theo lời ông tướng này, ‘người ta thích thì người ta chạy, người ta có xe thì người ta chạy, miễn đi đúng luật là được rồi’.”

Tác giả đánh giá: “Nói cách khác, giữa tướng Bùi Bé Tư với tướng Lương Tam Quang và các tướng là ‘lãnh đạo Bộ Công an’ dường như có sự khác biệt rất lớn về mặt nhận thức. Ngành Tuyên giáo của Đảng CSVN thường gọi sự khác biệt lớn về mặt nhận thức ấy là dấu hiệu ‘phân hóa tư tưởng’.”

Blog VOA có bài phân tích của nhà báo Phạm Chí Dũng: Hải, Thăng, Thể, Dụ, Thắng, Tâm: Ai ăn BOT khiến Phúc đổ vỏ? Về mối liên quan giữa ông Hoàng Trung Hải với vấn đề BOT Cai Lậy, tác giả dẫn thông tin: “Vào đầu tháng 12/2017… trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện một văn bản ‘V/v chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang’, được ký ngày 15/1/2014 bởi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải”.

Đối với “dấu vết” của ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Văn Thể, tác giả ghi nhận: “Mới sau hơn một tháng chấp nhiệm, ông Thể đã bị những tờ báo nhà nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên lôi tuột tên phải chịu trách nhiệm, bởi chính Nguyễn Văn Thể là quan chức dính líu sâu, ít nhất về trách nhiệm… Nhưng nếu nói Đinh La Thăng là tác giả độc quyền của nạn dịch BOT thì quả oan uổng cho ông Thăng. Vì ngoài Đinh La Thăng, dịch BOT còn được đạo diễn bởi không ít tác giả khác mà cái tên Nguyễn Văn Thể chỉ là một minh họa”.

Tác giả cũng nhắc đến “dấu chàm” của ông Ngô Văn Dụ và ông Nông Đức Mạnh: “Một thông tin chưa kiểm chúng xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng Công ty Bắc Ái nắm 65% cổ phần tại BOT Cai Lậy và Công ty này có trụ sở tại… địa chỉ nhà riêng của Ngô Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình TVAd. Ngô Hồng Thắng, sinh năm 1971, lại là con trai của Ngô Văn Dụ… Chưa kể, Ngô Văn Dụ còn là đệ tử ruột của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Vợ hiện thời của Nông Đức Mạnh lại là Đỗ Huyền Tâm – cựu đại biểu quốc hội, chủ đầu tư của nhiều công trình, trong đó có công trình BOT”.

Với chừng ấy “dấu tay” của những người từng đầy quyền lực xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy, tác giả cho rằng, “ngay trước mắt là vụ BOT Cai Lậy, cùng hàng loạt biến động có thể xảy ra ngày một ngày hai ở các trạm BOT khác. Dường như Thủ tướng Phúc đang bị kẹt giữa ba làn đạn: phản ứng từ người dân và ít nhất hai phe phái xung khắc nhau trong nội bộ đảng”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh
Trang BBC có bài: ‘Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Đức không đổi’. Trao đổi với BBC,  bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cho biết, “theo thông tin bà có được, cho đến ngày 8/12 mới chỉ có một luật sư tại Việt Nam được tiếp xúc với ông Thanh”.

Về khả năng phiên tòa sắp tới tác động đến quan điểm của Chính phủ Đức về vụ án Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf khẳng định: “Bất kể việc ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa ra xét xử tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi địa vị pháp lý của ông tại Đức, cũng như quan hệ luật sư-thân chủ giữa bà và ông Thanh”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ba luật sư được cấp giấy bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, luật sư Lê Văn Thiệp xác nhận: “Ông vừa được Cơ quan An ninh điều tra cấp giấy chứng nhận tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí – PVC, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang”.

Tác giả đưa tin: “Trước đó, ngày 9-8, Cơ quan An ninh điều tra cũng cấp giấy chứng nhận cho 2 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trịnh Xuân Thanh từ giai đoạn hỏi cung./ Hai luật sư này thuộc VP luật sư Nguyễn Chiến, đoàn LS TP Hà Nội”.

Báo Tuổi Trẻ có bài bình luận: Mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh, chuyện thật như đùaTác giả viết: “Câu chuyện này làm nhớ đến bình luận của đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò – thiếu tướng, phó tư lệnh Quân khu 2 – rằng ‘tài sản tham nhũng chẳng lẽ có cánh mà bay…’. Rõ ràng, hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh cũng không có cánh mà bay đi được, nó phải có ai đó lấy đi, vô tình hoặc hữu ý”.

Tác giả đặt câu hỏi: “Không biết khi nào vụ việc được làm rõ, và khi nào sẽ công khai. Đây hẳn là một chuyện thật như đùa rất đáng nói trong năm 2017”, và kết luận: “nhìn ở khía cạnh này cũng cảm nhận được có điều gì đó không ổn trong công tác cán bộ”.

Vũ lực có yên được lòng dân?
Trang Giáo Dục Việt Nam có bài bình luận: Hơn 100 nghìn Công an xã được phát súng, chuyện này không đùa được đâu. Tác giả dẫn lời Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: “Cần thận trọng trước khi trang bị súng cho lực lượng Công an xã”.

Không biết do vô tình hay cố ý, bà Nga đã thể hiện quan điểm khá tương đồng với cách nhìn của các Facebooker và Blogger lề dân: “Nói thật, bản thân tôi thấy lo lắng và chưa đặt trọn niềm tin vào lực lượng Công an xã nếu trang bị cho họ vũ khí. Bởi thực tế, nhiều người trình độ còn hạn chế, hoặc một số khác chưa được huấn luyện, đào tạo một cách bài bản”.

“Theo thống kê, nước ta có hơn 100 nghìn Công an xã. Cứ thử nghĩ xem, nếu cả hàng trăm nghìn Công an xã được trang bị súng thì chúng ta quản lý thế nào cho tốt để không xảy ra việc lạm quyền?”. Thực ra, có súng hay không thì công an, an ninh địa phương cũng đã thường xuyên để lại dấu ấn lạm quyềnkhi họ làm việc với dân, nhất là người đấu tranh ôn hòa bất đồng chính kiến và dân oan mất đất.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Tin mừng cho người nghèo đưa tin: Khẩn cấp: Giáo xứ Đông Kiều đang gặp nguy hiểm. Theo tác giả: “Nguồn tin của chúng tôi cho biết hàng trăm công an, dân phòng và cảnh sát cơ động kéo đến giáo xứ Đông Kiều và chặn tất cả mọi lối đi ra vào. Mấy ngày nay công an liên tục sách nhiễu và yêu cầu người dân tháo dỡ hàng đá Noel của giáo xứ. Đã có người dân bị “côn đồ” chém bị thương và một thầy giáo đã bị bắn vào đầu”.

Về việc có người bị bắn, một người dân địa phương kể lại: “Thầy Liên chỗ làng em, vừa nghe tin chúng chặt đèn liền chạy ra. Thầy bị chúng cầm súng hơi tự chế, bắn vào đầu chảy máu. Hiện tại thì đang ở trạm y tế để băng bó vết thương”.

Người dân Giáo xứ Đông Kiều làm việc với an ninh về vấn đề hang đá mừng Giáng Sinh. Ảnh: Facebook Thanh Niên Công Giáo.

Trang Facebook Thanh niên Công Giáo đưa tin: Bà con Giáo xứ Đông Kiều đoàn kết bảo vệ hang đá. Tác giả ghi nhận: “Chiều nay, vào khoảng 15 giờ 40 có 2 viên an ninh mặc sắc phục cấp tá xuống Giáo xứ Đông Kiều để thương thuyết với bà con về việc dỡ bỏ Hang Đá Chúa Hài Đồng”.

“Sau khi khi viên an ninh nói chuyện với bà con, thì bà con trả lời dứt khoát. ‘Chúng tôi không thể tin vào nhà cầm quyền này nữa, chúng tôi mất niềm tin rồi, chúng tôi đã bị các ông lừa nhiều rồi. Nay chúng tôi không mắc lừa lần nữa đâu’.”

Giá mà các anh an ninh, công an, quân đội ra tiếp viện được cho các ngư dân đang phải đối mặt với khí tài, đạn dược của Trung Quốc trên Biển Đông với tinh thần sắt đá như thế này.

Mời quý độc giả xem clip quay ở hiện trường:

Facebooker Vũ Thạch hiến kế: Làm sao giúp giáo xứ Đông Kiều? Tác giả cho rằng, chỉ có một cách đối phó duy nhất, là kết hợp nhiều giáo xứ lại để:

Cùng nhau chủ động kéo tới UBND, hỏi cá nhân nào ra lệnh cấm làm hang đá Giáng Sinh trên đất tư, đất tôn giáo, trong khi hàng ngàn giáo xứ khác trên cả nước đều đang làm, và làm ngay tại Hà Nội, ngay tại Trung ương. Nếu có tên người ra lệnh, bà con cùng kéo tới cả văn phòng lẫn nhà tư của hắn để hỏi cho ra lẽ. Cùng lúc khiếu nại với cấp cao hơn hắn cũng như tung tên tuổi, địa chỉ, lý lịch của hắn lên mạng. Nếu không có tên người ra lệnh thì đương nhiên chủ tịch UBND chịu trách nhiệm. Bà con làm tất cả các việc trên đối với hắn”.


Hồ sơ Đồng Tâm
Luật sư Ngô Anh Tuấn có bài bình luận: Bà Lan. Tác giả đánh giá: “Ở Đồng Tâm, người cán bộ gần dân và được dân tin tưởng nhất trong giai đoạn khó khăn nhất đó là bà Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Lan”.

Tác giả kể tiếp: “Trong những ngày đỏ lửa ở Đồng Tâm, bà Lan là một trong số ít những người ‘có tiếng nói’ góp phần làm dịu hoá những cái đầu nóng và là một cầu nối hết sức quan trọng giữa chính quyền các cấp với người dân. Trong buổi đối thoại cuối cùng để trao trả các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được người dân giữ lại, sau khi mọi việc bàn bạc ổn thỏa, chính bà Lan là người được giao đọc bản cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung”.

Bà Nguyễn Thị Lan và LS Trần Vũ Hải. Ảnh: FB Tuấn Ngô

Tác giả ghi nhận: “Ngày 13/12/2017, thường trực HĐND xã Đồng Tâm đã làm tờ trình số 02/TTr-HĐND để HĐND xã Đồng Tâm bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND xã đối với bà trước sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều người dân”. Mặc dù bà Lan bị mất chức, nhưng lương tri và danh dự của bà được bảo toàn.

Những gánh nặng kinh tế
Báo Người Lao Động có bài bình luận: Việt Nam trả lương chẳng giống ai! Theo tác giả, sự bất công trong chế độ tiền lương ở Việt Nam đã quá rõ ràng: “Chỉ cần nhìn vào lương hưu cô giáo mầm non Hà Tĩnh 1,3 triệu đồng/ tháng với một cựu tổng giám đốc công ty nước ngoài hưởng 101 triệu đồng là đã thấy mặn chát, đắng nghét, nuốt không trôi! Con số chênh lệch 100 lần đó đủ làm nản lòng những công chức cả đời liêm khiết, tận tụy. Còn sức khỏe để gắng sức cống hiến mà lương sống không nỗi thì mong gì an nhàn lúc về hưu”.

“Bất công nhiều năm rồi ai cũng thấy. Lương không đủ sống, lương chừng nào thì làm chừng ấy. Cứ làm việc nhàn nhàn, làm nhiều cũng hưởng thế thôi. Lương không tăng mà vợ nhăn: tiền xăng, tiền điện, tiền sữa, tiền tiền… nhảy giá thì tiếp dân vui sao nổi. Phải thêm thủ tục chỗ này, vòi vĩnh chỗ khác thì mới có ‘chi phí tăng thêm’. Vô số hệ lụy nhức nhối của nền hành chính hiện nay nảy sinh từ chính tâm lý tiêu cực của công chức bất mãn về lương”. Tác giả đồng ý với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở điểm: mức lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp.

Trang Một Thế Giới có bài: Chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi các nước phát triển. Tác giả dẫn thông tin do tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ ở Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 tổ chức sáng 15/12/2017, “chi phí vận tải, chi phí tài chính và các loại phí đã khiến doanh nghiệp Việt kêu ca nhiều và khiến họ rất khó cạnh tranh”.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank, đánh giá: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu”.


Hồ sơ Formosa
Báo Dân Việt có bài: Bộ Xây dựng “nhắc” Formosa vấn đề an toàn vệ sinh môi trường. Tác giả dẫn thông tin: “Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 47/BXD – VLXD về việc cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) được cung cấp tro bay cho các đơn vị có chức năng kinh doanh vật liệu xây dựng”.

Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng khẳng định: “Theo quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12.4.2017 của Thủ tướng, sản phẩm tro bay của Formosa phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN 16: 2014/BXD, được coi là sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa”.

“Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý, việc vận chuyển tro bay phải tuân theo các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường đối với vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014”. Nhắc nhở cho đúng “thủ tục”, “quy trình” là việc của quan chức, còn Formosa từ lâu đã thể hiện rõ cách tiếp cận của họ trong vấn đề môi trường. Vết thương của 4 tỉnh miền Trung vẫn còn đó.

Trang Infonet đưa tin: Huế: Rà soát, giải quyết dứt điểm việc bồi thường sự cố MT biển. Tác giả ghi nhận: “Liên quan đến việc hỗ trợ, chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có buổi làm việc với các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và các sở, ban ngành liên quan vào chiều ngày 12/12”.

“Tại buổi làm việc, các địa phương báo cáo cho biết, đến thời điểm hiện nay các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển giữa năm 2016 đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho gần hết các đối tượng được bồi thường đã phê duyệt (trong 8 đợt chi trả)”.

Hơn một năm sau thảm họa môi trường đầu độc vùng biển 4 tỉnh miền Trung, đến nay quan chức vẫn chưa làm xong bước cơ bản đầu tiên là bồi thường người dân.


Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA có bài: Tillerson hối thúc Triều Tiên ngừng thử vũ khí trước bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói tại một cuộc họp của HĐBA Liên Hiệp quốc rằng: “Triều Tiên phải nỗ lực để được quay trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được việc giải trừ hạt nhân“.

Giữa ông Tillerson và Tổng thống Mỹ có những bất đồng rất lớn nhiều vấn đề đối ngoại, trong đó có Bắc Hàn. Trong khi ông Tillerson đang tìm cách đàm phán với Bắc Hàn, thì Tổng thống Trump đã vài lần tweet rằng, không nên phí thì giờ để nói chuyện với Bắc Hàn.

Các đồng minh của Trump trong Nhà Trắng nói rằng, những điều ông Tillerson nói không phải là phát ngôn của chính phủ và rằng ngoại trưởng Mỹ “vẫn chưa học được bài học”Ông Tillerson nói với báo chí, rằng ông sẽ tiếp tục ủng hộ biện pháp ngoại giao với Bắc Hà ‘cho đến khi quả bom đầu tiên thả’.


Chính trường Mỹ
VOA có bài: Doug Jones, nghị sĩ tân cử bang Alabama là ai? Bài viết nói về lai lịch tân Thượng nghị sĩ Doug Jones, đảng Dân Chủ, là người đã thắng cử trong lần bầu cử thượng nghị sĩ liên bang hôm 12/12. Ông Jones thắng cử lần này, là đầu tiên đảng Dân Chủ phá vỡ được gọng kềm của đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Alabama, là thành trì của Đảng Cộng hoà trong suốt hơn 25 năm qua.

Đối thủ của ông, ông Roy Moore của đảng Cộng Hòa, là người liên tục bị gần chục phụ nữ tố cáo quấy rối tình dục và cũng là người được ông Trump ủng hộ.

Nhà báo Nguyễn Tiêu Quốc Đạt viết: Từ đũng quần đến chính trị quả thực không xa. Tác giả nói về giới siêu sao nổi tiếng ở Mỹ đang thay đổi cách tranh đấu, thay vì tấn công vào cá nhân Tổng thống Trump, là người nổi tiếng với câu nói “bóp chim” phụ nữ trên chuyến xe bus tới trường quay của đài NBC cho chương trình Access Hollywood hơn 10 năm trước, giới siêu sao đã tấn công vào nạn quấy rối tình dục.

Khởi đầu là cuộc tấn công vào ngôi sao Hollywood, ông Harvey Weinstein, một nhà sản xuất phim nổi tiếng ở Hollywood, đã bị hơn 10 phụ nữ tố cáo quấy rối tình dục, rồi đến tài tử Kevin Spacey, James Toback. Sau đó là các ngôi sao truyền hình ở Mỹ cũng lần lượt bị hạ gục như Matt Lauer của đài NBC, Charlie Rose của đài PBS…

Cuộc tấn công lan rộng sang giới chính trị gia. Đã có hai thượng nghị sĩ và dân biểu bị mất ghế vì bị cáo buộc quấy rối tình dục, là dân biểu John Conyers, Thượng nghị sĩ Al Franken đã phải từ chức. Ứng viên bang Alabama chạy đua vào ghế thượng, ông Roy Moore, cũng đã phải rơi đài trong cuộc bầu cử hôm 12/12 cũng vì những cáo buộc sách nhiễu tình dục.

Tác giả viết: “Tưởng như mọi chuyện tấn công Harvey Weinstein đã là rất to, nhưng nó còn lan tới Roy Moore và rồi đánh sập cả một bang Albama thành trì kiên cố của đảng Cộng hoà bất chấp sự hậu thuẫn phi luân lý của tổng thống Mỹ“.

Trung Quốc
RFI có bài: Trung Quốc tăng tốc xen vào nội tình nước khác, kể cả Mỹ. Dẫn nguồn từ báo Washington Post cho biết, Trung Quốc mới đây đã “thản nhiên yêu cầu Quốc Hội Mỹ không thông qua các dự luật mới có tác dụng tăng cường quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan. Động thái can thiệp thô bạo của Bắc Kinh đã gây phẫn nộ trong giới lập pháp Mỹ”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã gởi một bức thư đến các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, đe dọa rằng, nếu Quốc Hội Lưỡng Viện Mỹ thông qua các dự luật nói trên, điều đó sẽ dẫn đến những “hậu quả nghiêm trọng” cho quan hệ Mỹ-Trung. Bức thư của Trung Quốc đã làm cho các nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cũng như các cộng sự viên của họ, phẫn nộ. “Tất cả đều đánh giá rằng hành động đó vừa không thích hợp vừa phản tác dụng”.

Dẫn lời trợ lý của một thượng nghị sĩ Mỹ, cho biết: “Việc đưa ra những lời đe doạ như vậy và vạch ra “những làn ranh đỏ” đối với ngành lập pháp Mỹ vừa không hữu ích, vừa thiếu tính xây dựng đối với mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cần”.









No comments:

Post a Comment

View My Stats